Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết về cải cách thể chế và khoa giáo. Đó là những nhận định chính của các chuyên gia tại tọa đàm “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Đâu là giải pháp quan trọng nhất với Việt Nam?” do Tia Sáng tổ chức ngày 24/6 vừa qua.
Cần triển khai giáo dục STEM từ phổ thông. Ảnh: Học sinh thử nghiệm máy in 3D trong ngày hội STEM năm 2017.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được nhắc tới nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đầu tháng 5/2017, Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và giao nhiệm vụ cho các bộ ngành liên quan. Tuy nhiên, ý kiến của giới nghiên cứu xung quanh vấn đề này còn rất khác nhau, trong khi một số nhà khoa học, đặc biệt là các nhà công nghệ cho rằng cần thay đổi nhận thức về cách mạng công nghiệp lần thứ tư và có những giải pháp ứng phó thì một số ý kiến khác lại cho rằng năng lực tiếp cận của Việt Nam với cuộc cách mạng này vẫn là rất “xa vời”. Do đó, Tia Sáng tổ chức buổi tọa đàm “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Đâu là giải pháp quan trọng nhất với Việt Nam?” để thảo luận về vấn đề này.
Cải cách với tinh thần “thực học”, “thực làm”
Chuyên gia Nguyễn Thế Trung, người tham gia viết báo cáo về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Bộ KH&CN trình Chính phủ vào tháng 3/2017 nhận định rằng các cuộc cách mạng công nghiệp đều trải qua bốn giai đoạn: Nổi lên, tăng trưởng, trưởng thành và suy giảm. Nhưng trong lịch sử, Việt Nam thường không kịp “chuẩn bị” cho giai đoạn nổi lên của các cuộc cách mạng công nghiệp, do đó chỉ “hứng” thành quả của cách mạng công nghiệp với vai trò là “người tiêu dùng vĩ đại” thay vì trở thành một “nhà cung ứng”. Ví dụ, sau khi bỏ lỡ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai trong thời kỳ Pháp thuộc, sang tới thời kỳ thế giới chuẩn bị cho cách mạng công nghiệp lần thứ ba thì Việt Nam đang trong giai đoạn chiến tranh và không đủ khả năng chuẩn bị để trở thành nhà cung ứng. Vì thế, khi Việt Nam đang nỗ lực đổi mới kinh tế xã hội thì cách mạng công nghiệp lần thứ ba trên thế giới đã đạt tới giai đoạn “trưởng thành”, và chúng ta buộc phải trở thành người tiêu dùng. “Câu hỏi đặt ra là nếu cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra, thì làm sao để năm 2030 chúng ta đi được vào con đường phát triển đó mà không tiếp tục trượt đi?”.
Tuy nhiên, sẽ rất khó chuyển đổi ngay các ngành công nghiệp trong nước hay tạo ra ảnh hưởng thị trường mà chỉ có thể kỳ vọng vào các biện pháp lâu dài gồm cải cách khoa học, giáo dục, văn hóa và cải cách thể chế. Anh Nguyễn Thế Trung đề xuất cần phải có các hoạt động tư vấn, phản biện chính sách, triển khai các hoạt động định hướng xã hội như triển khai giáo dục STEM từ phổ thông, khuyến đọc toàn xã hội; thúc đẩy phong trào sáng tạo mở (dữ liệu mở, học liệu mở, khoa học mở), kinh bang tế thế và đổi mới sáng tạo. Cụ thể, chương trình giáo dục phổ thông và đại học sẽ thay đổi theo hướng “thực học, thực làm”. Ở bậc phổ thông, việc triển khai giáo dục STEM là yêu cầu cấp thiết. Còn ở bậc đại học, các trường đại học phải thay đổi quy trình xây dựng chương trình đào tạo. Trước đây đào tạo ở Việt Nam thường theo quy trình: thiết lập chương trình đào tạo, cung cấp chương trình đào tạo và học sinh tốt nghiệp, đi làm, trong đó đào tạo đại học chỉ dừng lại ở khâu tốt nghiệp. Nhưng trong bối cảnh mới, các đại học sẽ phải thay đổi mục tiêu đào tạo, tìm hiểu quá trình sinh viên tìm việc sau tốt nghiệp cũng như đóng góp của họ vào việc tăng hiệu quả cho công ty để từ đó quay trở lại thay đổi thiết kế chương trình đào tạo. “Ví dụ, cách làm của APEC là thuê một công ty làm dữ liệu tìm 350.000 thông tin niêm yết về việc làm ở Mỹ, sau đó tính toán trung bình một nghề cụ thể kiếm được bao nhiêu tiền, cần quan tâm tới bao nhiêu kỹ năng cần thiết, để từ đó đưa ra một bộ kỹ năng về khoa học dữ liệu cho người học phù hợp nhất với thị trường. Việt Nam cũng có thể thống kê nhân lực như vậy”, anh Nguyễn Thế Trung nói.
Đồng tình với quan điểm phải cải cách hệ thống giáo dục phổ thông theo hướng thực học, thực nghiệp, dân chủ và thúc đẩy liên kết giữa giáo dục đại học với doanh nghiệp nhưng GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho rằng quá trình cải cách sẽ gặp rất nhiều khó khăn do nguồn lực từ nhà nước đang rất hạn chế. Đơn cử, việc thực hiện giáo dục STEM trên phạm vi rộng sẽ gặp nhiều khó khăn vì các trường phổ thông đều rất thiếu cơ sở vật chất (phòng học, phòng thí nghiệm) và chưa đủ nguồn nhân lực dạy những nội dung mới mẻ về công nghệ. Ông dẫn chứng: “Ngay cả ở các thành phố lớn hiện nay, muốn cho học sinh học thêm buổi thứ sáu trong tuần cũng rất khó bố trí vì thiếu phòng học. Còn ở miền núi, chúng ta cũng đề cập tới việc dạy tin học sớm cho học sinh tiểu học để xóa khoảng cách số giữa các vùng nhưng thiếu cơ sở vật chất”.
Tuy nhiên, không ít ý kiến tại tọa đàm khẳng định khu vực dân sự hoàn toàn có khả năng “san sẻ” gánh nặng nguồn lực tài chính và nhân lực với nhà nước trong quá trình đổi mới giáo dục. Theo anh Nguyễn Quang Thạch, người đóng vai trò quan trọng trong vận động nguồn lực xã hội cho chương trình “Sách hóa nông thôn” để xây dựng 18.000 tủ sách cho học sinh cả nước, cho biết “chúng tôi đang tăng tốc chương trình sách hoá nông thôn và đặt mục tiêu tất cả các lớp học ở nông thôn đều có sách đọc mà không lấy một đồng nào của nhà nước.” Đôi khi biện pháp kêu gọi rất đơn giản, đó là truyền thông khuyến khích trẻ em sử dụng tiền mừng tuổi để mua sách cũng có thể tạo ra nguồn lực mua hàng triệu cuốn sách cho trẻ em, anh Thạch nói. Tương tự, anh Đỗ Hoàng Sơn, giám đốc công ty cổ phần sách Long Minh, một trong những người tham gia truyền thông và tổ chức nhiều hoạt động giáo dục STEM bằng nguồn vốn xã hội cũng cho biết, Liên minh STEM đã tập huấn nhiều lớp kỹ năng cơ bản về STEM cho hàng nghìn lượt giáo viên nhiều tỉnh phía Bắc và có thể lập kế hoạch, huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục mở rộng các lớp tập huấn này.
Thúc đẩy khu vực tư nhân
TS. Lê Đăng Doanh lo ngại “chúng ta sẽ tiếp tục ở lại bên lề của lịch sử” trước cuộc cách mạng công nghệ thứ tư bởi vì khu vực kinh tế tư nhân – nhân tố giữ vai trò chính trong các cuộc cách mạng công nghiệp – đang rất yếu ớt và nhiều khi “phải dựa vào ‘vốn’ thân hữu nhiều hơn là ưu tiên đầu tư vào khoa học và công nghệ”. Do đó, theo ông, trước hết “chính phủ cần phải ngồi lại với giới doanh nghiệp để phân tích SWOT (điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức) và đưa ra chương trình hành động mới, trong đó có giao ‘đầu bài’ cho các doanh nghiệp. Vì cách mạng công nghiệp này diễn ra ở phía doanh nghiệp chứ không diễn ra trong các chỉ thị”. Và về lâu dài, “để thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân, chỉ có một giải pháp duy nhất là phải cải cách, công khai minh bạch, thúc đẩy trách nhiệm giải trình”, TS. Lê Đăng Doanh nói.
Những doanh nghiệp trong nước tham gia vào cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ chết yểu nếu không có thị trường. Vì vậy, một trong những mục tiêu trọng tâm của nhà nước trong cải cách thể chế là tạo ra môi trường bình đẳng, lành mạnh cho thị trường công nghệ trong nước và không có “vùng đặc quyền”, theo GS.TS Trần Xuân Hoài (Viện Vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học, Viện Hàn lâm KH&CN VN). “Năng lực ngành công nghệ thông tin có thể bắt kịp với cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư. Ví dụ, nhiều công ty công nghệ thông tin của Việt Nam đủ sức làm những dự án lớn về giao thông thông minh, thành phố thông minh nhưng họ có cơ hội tiếp cận không hay dự án đó lại ‘rơi’ vào tay các ‘ông lớn’ nước ngoài vì một lý do nào đó? Trong khi đó, các công ty công nghệ thông tin ở nhiều nước phát triển rất mạnh vì nhà nước đặt ‘đầu bài’ cho họ làm”, ông nói.